Bộ Tài chính đang dự thảo những sửa đổi các sắc luật liên quan đến thuế, trong đó có một nội dung rất mới, rất quan trọng là doanh nghiệp nào đi vay quá nhiều, quá một tỷ lệ nào đó thì chi phí tiền lãi vay này sẽ không được khấu trừ thuế nữa.



[IMG]http://**************/attachments/khong-che-chi-phi-lai-vay-jpg.962679299/[/IMG]

Nói chính xác theo dự thảo “Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế” thì các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp được bổ sung thêm một khoản: “Chi phí trả lãi tiền vay vốn tương ứng với khoản vay vượt quá năm lần vốn chủ sở hữu (5:1) đối với lĩnh vực sản xuất, vượt quá bốn lần vốn chủ sở hữu (4:1) đối với các lĩnh vực còn lại”.

Dự thảo còn đề ra lộ trình đến năm 2019 thì tỷ lệ này giảm xuống còn 4:1 (sản xuất) và 3:1 (các lĩnh vực còn lại).

Vì sao có quy định khá lạ lẫm này, thế giới họ ứng xử như thế nào và đâu là phương án tối ưu?

Lá chắn thuế

Đã ra làm ăn, có lẽ ai cũng biết sự đánh đổi giữa vay vốn và gọi vốn - bên nào cũng có cái lợi, cái thiệt đối với chủ doanh nghiệp. Vay vốn thì thường rẻ hơn gọi vốn nhờ vào cái gọi là “lá chắn thuế”. Ví dụ, doanh nghiệp A vay 100 tỉ đồng để sản xuất, cuối năm lãi được 10 tỉ đồng sẽ nộp 25% trên 10 tỉ đồng tiền lãi này, tức thuế phải nộp là 2,5 tỉ đồng. Đó là bởi chi phí lãi vay, ví dụ lãi suất 10%, tức 10 tỉ đồng đã được trừ khỏi thu nhập chịu thuế.

Ngược lại, nếu doanh nghiệp này gọi vốn 100 tỉ chứ không vay đồng nào, cuối năm tính ra lãi được 20 tỉ đồng (vì không chịu lãi vay). Trước khi chia lãi, doanh nghiệp này phải nộp 25% trên 20 tỉ đồng, tức nộp đến 5 tỉ đồng tiền thuế.

Lá chắn thuế là một phương cách giảm số thuế phải nộp được sử dụng rộng rãi trong doanh nghiệp trên thế giới. Nhưng không phải vì thế mà doanh nghiệp đua nhau đi vay ngân hàng, không chịu huy động vốn để làm ăn. Đó là bởi chi phí lãi vay là khoản chắc chắn phải trả, bất kể làm ăn có lãi hay không. Nếu vay nhiều, càng phải trả chi phí cho ngân hàng nhiều bấy nhiêu. Trường hợp “con” vay của “mẹ” lại là chuyện khác! Trong khi đó, vốn gọi từ bạn bè, từ thị trường chứng khoán thì phải chia lãi nhưng chia nhiều hay ít là tùy tình hình làm ăn - nếu lỗ lấy đâu ra để chia. Đó là nói theo cách đơn giản hóa - cái cân nhắc tỷ lệ tối ưu giữa vay vốn và gọi vốn còn rất nhiều yếu tố khác nhau làm thành cả một nghệ thuật quản lý nguồn vốn của doanh nghiệp.

Khi lá chắn bị lợi dụng

Mặc dù có sự đánh đổi như thế, nhiều doanh nghiệp cũng đi theo con đường tận dụng hết mức lá chắn thuế chừng nào nó có lợi cho họ. Nói cách khác, khi chi phí nợ (lãi vay) được khấu trừ thuế còn chi phí vốn (cổ tức) không được khấu trừ thuế thì ít nhiều đã khuyến khích doanh nghiệp đi theo con đường chọn nợ nhiều hơn chọn vốn. Sách giáo khoa về quản trị doanh nghiệp cũng khuyên nên tối đa hóa lợi thế của lá chắn thuế cho đến mức nào doanh nghiệp còn chịu đựng nổi. Đặc biệt, các tập đoàn đa quốc gia sử dụng chuyện cho vay vốn này để chuyển giá, gây ra tình trạng “lỗ giả, lãi thật”. Nhiều nhà kinh tế nhận xét cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008 cũng bắt nguồn từ việc dùng đòn bẩy nợ quá mức, đặc biệt khi lãi vay ở mức thấp.

Cũng vì lý do đó, đã có một số đề xuất cần triệt tiêu lá chắn thuế bởi doanh nghiệp đi vay quá nhiều, không chỉ gây thất thu thuế cho ngân sách mà chủ yếu là tạo ra rủi ro. Nếu vốn nhiều, doanh nghiệp có khó khăn cũng còn vốn để chống chọi; với doanh nghiệp vay nhiều, khó khăn sẽ dễ dẫn đến phá sản, đóng cửa doanh nghiệp, gây thiệt hại nói chung cho nền kinh tế và xã hội.

Tuy nhiên nên nhớ các lập luận này chỉ mới dừng ở mức nghiên cứu và đề xuất. Đó là bởi, việc bỏ khấu trừ thuế đối với lãi vay quá một tỷ lệ nào đó chỉ có hiệu quả khi áp dụng toàn cầu. Nếu nước áp dụng, nước không, chắc chắn dòng vốn sẽ chảy đến nước nào không áp dụng. Lúc đó việc chuyển giá sẽ diễn ra khốc liệt hơn bây giờ nữa.

Thứ hai là song song đó cũng có đề xuất nên giảm mức được khấu trừ nhưng áp dụng cho cả chi phí lãi vay và chi phí chia cổ tức. Miễn sao tổng thuế thu cho ngân sách vẫn giữ nguyên thì cách này sẽ tạo động lực cho doanh nghiệp cân đối giữa vốn vay và vốn gọi.


Bao nhiêu là vừa?


Đề xuất của Bộ Tài chính như thế cũng đi theo xu hướng mới nổi lên của thế giới về chuyện lợi dụng lá chắn thuế. Ở Việt Nam còn thêm hiện tượng một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài luôn có chi phí trả lãi tiền vay mà lại vay vốn của chính công ty mẹ ở nước ngoài quá lớn. Bộ Tài chính cho rằng đó là một trong những nguyên nhân “dẫn đến tình trạng lỗ mặc dù doanh thu luôn tăng trưởng qua các năm và doanh nghiệp không ngừng mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh” đồng thời kết luận: “Đây có thể coi là tình trạng chuyển giá thông qua việc cho vay giữa công ty mẹ và công ty con, giữa các công ty trong cùng một tập đoàn”.


Tuy nhiên có một số điểm cần lưu ý.


Thứ nhất là mục đích của các đề xuất trên thế giới là nhằm loại trừ rủi ro chung cho nền kinh tế, để tránh cảnh lặp lại sự đổ vỡ của nhiều doanh nghiệp như từng xảy ra vào mấy năm trước đây chứ không phải là vì thất thu thuế cho ngân sách quốc gia. Ví dụ các think tank ở Mỹ chỉ đề xuất doanh nghiệp Mỹ không được khấu trừ thuế cho chi phí lãi vay từ ngân hàng đặt bên ngoài nước Mỹ và hạn chế mức khấu trừ cho chi phí lãi vay từ ngân hàng của Mỹ.

Thứ hai, theo một số chuyên gia tài chính là cộng tác viên TBKTSG đang ở nước ngoài, tất cả chỉ mới là đề xuất. Ví dụ OECD đề xuất một mức tối đa mà doanh nghiệp được khấu trừ liên quan đến lãi vay vào cuối năm 2014 nhưng cho đến nay vẫn chưa có đạt được kết luận sau cùng. Tỷ lệ hiện đang được thảo luận là “Chi phí lãi vay trên EBITDA (tức trên thu nhập trước lãi vay, thuế, và khấu hao)” không thấp hơn 10% và không cao hơn 30%. Ngoài ra đề xuất cũng nói rõ doanh nghiệp nhỏ và vừa được miễn trừ quy định này.

Thứ ba, tác động của việc sửa đổi luật thuế này sẽ rất lớn. Thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang sơ khai xem như bị giáng một đòn khó lòng phục hồi; các ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn; thị trường chứng khoán sẽ bùng nổ. Các doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa đã khó tiếp cận vốn vay ngân hàng thì nay càng khó hơn.

Cuối cùng, quan trọng hơn cả, Việt Nam không thể một mình một chợ đưa ra quy định như thế này được.

Lúc đó doanh nghiệp sẽ mất đi một yếu tố cạnh tranh so với đồng nghiệp trên thế giới và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sẽ cân nhắc lại chuyện đầu tư vào đây một khi chi phí lãi vay của họ không còn được khấu trừ thuế.

Có lẽ chỉ nên dừng ở mức không cho khấu trừ chi phí lãi vay nếu chi phí đó lại trả cho công ty mẹ để loại trừ chuyện chuyển giá và đề ra một lộ trình thực hiện phù hợp với tình hình triển khai trên thế giới.

Tỷ lệ vốn vay trên vốn chủ sở hữu ở Việt Nam hiện là bao nhiêu

Theo tờ trình của Bộ Tài chính đi kèm với dự thảo thì khảo sát 57/85 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước thuộc bộ, UBND tỉnh về tỷ lệ vốn vay/vốn chủ sở hữu cho thấy đến hết năm 2014 có hai doanh nghiệp có hệ số lớn hơn 5 (một đơn vị xây dựng và một đơn vị kinh doanh xăng dầu), sáu doanh nghiệp có hệ số từ 3-5 (chủ yếu là các doanh nghiệp xây dựng) và 49 doanh nghiệp có hệ số nhỏ hơn 3.

Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI): theo số liệu tổng hợp 9.400 doanh nghiệp FDI cả nước với tổng tài sản khoảng 2.205.068 tỷ đồng (khoảng 105 tỉ đô la Mỹ) chiếm tỷ trọng 70% doanh nghiệp FDI cả nước còn hoạt động cho thấy hệ số nợ/vốn chủ sở hữu chung tất cả các ngành là 1,23 lần; của ngành thương mại là 3,44 lần. Nếu xét trên chỉ tiêu vốn vay/vốn chủ sở hữu thì hệ số này của tất cả các ngành là 0,57 lần, của ngành thương mại là 1,8 lần.

Đối với các dự án BOT nhiệt điện có vốn FDI (năm dự án đã ký hợp đồng và 17 dự án còn lại đang trong quá trình đàm phán có quy mô vốn đầu tư từ 700 triệu đô la Mỹ đến 2 tỉ đô la Mỹ/dự án) đều đạt ngưỡng tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 4:1 (trong đó vốn vay là 1 khoản mục trong nợ phải trả).

Nguyễn Vạn Phú - Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn