Hãy coi doanh nghiệp như chính gia đình của mình!
Ở đâu mà nhân viên cảm thấy thoải mái và cởi mở thì ở đó năng suất lao động sẽ cao. Chân lý đó tưởng như quá đơn giản, song thực hiện được nó không phải chuyện dễ dàng.


Năng suất trong một doanh nghiệp là vấn đề tổ chức xã hội. Nó chỉ có thể được giải quyết bằng cách phối hợp những cố gắng của các cá nhân lại với nhau một cách có hiệu quả và bằng cách kích thích các nhân viên trên cơ sở đáp ứng những lợi ích của họ. Nếu bạn biết tạo một bầu không khí thân mật giữa chủ và thợ, giữa những nhân viên với nhau thì doanh nghiệp của bạn sẽ làm ăn thịnh vượng và ngược lại. Có thể nói các yếu tố năng suất, lợi ích và lòng tin luôn luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Điều đó không có gì là kỳ lạ trong kinh doanh.

Khi chúng ta quan sát các doanh nghiệp ở trên thế giới thì sẽ thấy một điều thú vị rằng ở nơi nào lòng nghi kỵ thống trị giữa những người chủ doanh nghiệp với các nhân viên thì nơi đó sẽ không thể có năng suất cao. Điều đó cũng hoàn toàn đúng khi một doanh nghiệp nào đó không quan tâm đến lợi ích nhân viên của mình. Bí quyết của một doanh nghiệp thành công là hệ thống quản lý theo chiều sâu không những cho phép duy trì một ý thức tin cậy giữa những nhân viên với nhau, với chủ doanh nghiệp mà còn thoả mãn được lợi ích chính đáng của họ. Nhiều tập đoàn kinh tế thành đạt trên thế giới chính là những nơi có môi trường thân mật giữa chủ và nhân viên, giữa những nhân viên với nhau. Họ coi doanh nghiệp của mình là một “gia đình” mở rộng.

Mark Peterson, một chủ thầu xây dựng giàu nhất thành phố Lyon, Pháp năm nay ngoài 50 tuổi, đã thầu nhiều khu đất và là chủ của những xưởng sản xuất gạch men hoạt động liên tục với hơn 150 nhân công. Chỉ hơn 30 tháng trời sản xuất kinh doanh mà Mark đã sắm được một chiếc xe Ferrari, một máy ủi và nhiều phương tiện giá trị khác trị giá hàng chục triệu bảng Anh. Bí quyết gì đã khiến Mark thành công như vậy? Đó chính là nhờ Mark đã coi những nhân viên của mình như người nhà, tạo cho họ cảm giác họ cũng là người chủ của công việc. Ngoài việc trả lương đầy đủ cho nhân viên, Mark còn trả cả tháng lương thứ 13 và thưởng cho những ai tích cực, làm việc có hiệu quả. Mỗi năm một người còn được cấp 2 bộ quần áo bảo hộ lao động, 2 đôi giày, 2 đôi tất, mũ, găng tay… Nếu có ai bị ốm thì Mark trực tiếp đến tận nhà thăm hỏi và biếu quà, thuốc men, tiền… Mark còn quan tâm đến tình cảm, tâm lý của mỗi người. Ngày lễ, Tết đều có quà cho nhân viên.

Chang Zsin, một nữ giám đốc năng động ở Trung Quốc đã nói về bí quyết thành công của mình rất thành thục: “Kinh nghiệm mà tôi rút ra sau nhiều năm công tác là chỉ khi nào các giám đốc đi sâu đi sát, cùng chia ngọt sẻ bùi với nhân viên thì họ mới phát huy hết tài năng vốn có của mình để mang lại cho công ty những sản phẩm tốt nhất”. Chang còn cho biết: “Ngoài việc thường xuyên sắp xếp thời gian đến dự đám cưới của nhân viên trong công ty, tôi còn cẩn thận ghi ngày sinh của mọi người để tặng quà động viên họ nhân dịp đó”.

Còn Cheng Chung, một trong những nhà thầu khoán trẻ tuổi và thành công nhất Đài Loan đã cho rằng: “Đối với tôi, các thành tựu kinh tế không quan trọng lắm. Chính nhận thức và trách nhiệm với những người ủng hộ tôi đã thúc đẩy tôi tiến lên phía trước. Có quá nhiều người phụ thuộc vào tôi. Và nếu không có họ thì có lẽ bây giờ tôi đã không ở vị trí của mình ngày hôm nay”. Cheng Chung dã từng đi đưa báo, làm việc vất vả trong nhà máy chế biến chuối và từ tuổi 14, Cheng làm việc tại công ty xây dựng Hung Phu. Ở đó Cheng đã học được công việc và những kinh nghiệm quản lý dẫn đến thành công sau này. Cheng thường xuyên tâm niệm rằng: “Mối liên quan giữa một công ty và nhân viên của công ty đó có ý nghĩa quan trọng nhất. Cheng nói: “Sự quan tâm đến các nhân viên trong công ty cần được đặt lên hàng đầu. Với tiền lương, bạn chỉ có thể mua được 8 giờ làm việc mỗi ngày của nhân viên mình, nhưng bạn không thể mua được động cơ thúc đẩy việc làm của họ, cái mà chúng ta cần nhất để đi đến thành công”.

Những quan niệm coi công ty như một gia đình mở rộng luôn được sử dụng ở các hãng HP, Procter&Gamble, Levistraus, Sony, Nissan… Thậm chí có nhiều công ty muốn mang lại những ấn tượng mạnh nhất bằng cách dùng những ngôn từ có thể nâng cao ý nghĩa của nhân viên như “Cộng tác viên” (được dùng ở Walmert), “thành viên của đội” (McDonald) và “thành viên của nhóm” (Disney). Điều đó đã khiến cho không khí làm việc trở nên năng động và vui nhộn đến mức các nhân viên cảm thấy chính công ty đã lấp đi những khoảng trống giữa họ và với người quản lý. Khi đó, doanh nghiệp của bạn đã trở thành những mái nhà che chở nhân viên song đồng thời vẫn giữ được có được các mục đích kinh doanh của mình.

Quan hệ giữa con người với con người trong doanh nghiệp phản ánh những sắc thái phức tạp và sự tinh tế. Là người quản lý, dứt khoát bạn phải hiểu được những điều đó, nắm bắt được nó và điều khiển nó sao cho hiệu quả nhất. Khi bạn thiết lập được tình thân ái trên cơ sở những sự khác biệt, rõ rệt trong tính cách của mỗi nhân viên thì sẽ giúp bạn phát triển những mối quan hệ lành mạnh.

Không nên quên khía cạnh con người trong công việc kinh doanh của bạn!

Huyền Trang (Theo Bwportal/MONEY.COM)