Đại học Harvard và bí quyết thành công

Nếu bạn cộng tổng ngân sách hàng năm của 142 nước, trong đó có Cuba, Jordan và Lithuania thì cũng chưa tới 19,2 tỷ USD nhưng riêng trong năm 2000, tổng giá trị tài sản của trường đại học Harvard đã đạt tới mức này.


Năm 1999, tổng giá trị tài sản của Harvard là 14,4 tỷ USD. Đây là một năm cực kỳ thành công của trường, giá trị tài sản của Harvard tăng gần 1/3. Điều kinh ngạc là riêng phần tăng thêm đã đạt 4,8 tỷ USD lớn hơn giá trị tài sản của một số trường đại học hàng đầu nước Mỹ, trong đó có Học viện Công nghệ Massachuset (4,3 tỷ USD), trường đại học Columbia (3,6 tỷ USD) và trường Darthmouth (1,7 tỷ USD). Vậy Harvard làm thế nào để đạt được thành công lớn như vậy?

Học phí tại Harvard rất cao nhưng nhiều người vẫn sẵn sàng trả tiền để được học. Lý do bởi càng thông minh thì họ càng có khả năng kiếm được nhiều tiền. Càng kiếm được nhiều tiền thì họ càng tin tưởng trường Harvard.

Harvard cực kỳ chú trọng vào chất lượng giảng dạy. Các giáo sư thường áp dụng những phương pháp huấn luyện giảng viên nghiêm khắc. Mỗi giảng viên thường có vài cố vấn dày dạn kinh nghiệm, chuyên sâu các lĩnh vực khác nhau trong hệ thống giảng dạy của Harvard giúp đỡ.

Năm 1997, cả trường quản trị kinh doanh Harvard chỉ tuyển 880 sinh viên nhưng có tới gần 7.500 đơn xin học. Harvard từ chối tới trên 90% số đơn xin học, một phần bởi khả năng hạn chế của Harvard nhưng nếu bạn chú ý kỹ thì Harvard cũng không hề có ý định tăng tuyển sinh đào tạo tại trường của mình.

Nghệ thuật nói “Không” của Harvard rất kỳ diệu bởi họ càng nói Không thì càng kích thích tâm lý của người xin học. Nhu cầu theo học Harvard hiện đang lớn hơn bao giờ hết. Harvard xây dựng nên tiêu chuẩn Cây gậy và củ cà rốt. Sinh viên cần phải đạt một tiêu chuẩn do trường đặt ra thì đơn xin học của họ mới được xem xét.

Khi lập ra tiêu chuẩn này, người ta thấy Harvard như đang ngồi trong một lâu đài nhỏ của mình và bắc một chiếc cầu ra ngoài. Và hơn bao giờ hết, các sinh viên rất muốn đi qua chiếc cầu này để bước vào lâu đài Harvard. Để vươn tới được củ cà rốt, các sinh viên phải tự trau dồi kiến thức của bản thân để đạt tới tiêu chuẩn của Harvard.

Harvard cũng xây dựng các chương trình giảng dạy theo yêu cầu của các công ty nhưng vẫn giữ vững nguyên tắc của mình. Harvard sẽ không tiến hành giảng dạy cho một công ty nếu các quan chức điều hành cấp cao của công ty không cùng tham gia khoá học. Nếu không, cho dù có hấp dẫn thế nào chăng nữa thì Harvard cũng từ chối.
Harvard chứng minh rằng càng nói Không thì càng thu hút được nhiều người xin học. Đó là một chiến lược cho phép bạn từ chối khách hàng trong khi lợi nhuận vẫn tăng nhiều lần.

Nếu bạn không tin thì hãy xem những con số này: Mỗi khoá học được thiết kế theo chủ đề, Harvard chỉ nhận 15 học viên. Riêng trong năm 1997, các khoá học này đã đem về cho Harvard số tiền 50 triệu USD và Harvard không dừng lại ở đó.

“Mặc dù trường không thể tiếp nhận tất cả mọi người, nhưng chúng tôi mở rộng thương hiệu của mình tới những nơi họ làm việc hoặc sinh sống”, Giám đốc điều hành lĩnh vực xuất bản của trường Harvard nói. Để đáp ứng nhu cầu của những người muốn theo học nhưng không được tiếp nhận, Harvard xuất bản bản tin, những bài giảng trực tuyến và hàng chục ấn phẩm và các phương tiện tương tác kỹ thuật số khác. Theo ông Robert Clark, hiệu trưởng trường Harvard thì trên thực tế những ấn phẩm này càng làm tăng khát vọng của mọi người được vào học tại trường Harvard.

Harvard không thể đưa tất cả mọi người vào ngôi đền thiêng của mình nhưng nó cũng không để họ sang trường khác. Trong khi chờ đợi, Harvard cung cấp cho họ hàng loạt ấn phẩm để tự nghiên cứu và học tập. Lý do Harvard làm vậy là bởi: “Thách thức lớn với chúng tôi đó là làm thế nào để có thể mở rộng quy mô hoạt động trong khi không làm giảm uy tín thương hiệu của chúng tôi.”, hiệu trưởng Robert Clark nói. Đó chính là bí quyết marketing của trường đại học Harvard./.

Bích Hường (Theo Bwportal)