Chào mừng đến với Diễn đàn Dân Kế Toán - Kế toán tổng hợp thực tế.
Kết quả 1 đến 2 của 2
  1. #1
    Ngày tham gia
    Aug 2015
    Bài viết
    0

    Về nước tìm việc, lao động gốc Việt gặp khó

    Làn sóng lao động gốc Việt từ Mỹ, Anh, Australia… đổ về Việt Nam ngày càng nhiều, với hy vọng tìm được một việc làm phù hợp trong thời kỳ gian khó. Nhưng sự khác biệt về văn hóa, phong cách làm việc… khiến mọi chuyện không hẳn là dễ dàng...

    Nhiều lời mời gọi

    Anh V. vừa về tới Việt Nam là gửi ngay hồ sơ tuyển dụng (CV) cho các mạng tuyển dụng. Chỉ vài ngày sau, anh nhận được tới tấp những lời mời từ các ngân hàng lớn trong nước. Tất nhiên, với hồ sơ quá “đẹp”: kiến thức hoàn hảo, tích lũy kinh nghiệm qua một thời gian đảm trách các vị trí quản lý ở nước ngoài, anh là mẫu người mà nhiều ngân hàng ở Việt Nam mơ ước.

    Giữa lúc tình hình việc làm trong nước khó khăn, vậy mà anh vẫn có quyền lựa chọn chỗ làm. Sau nhiều suy tính, cuối cùng anh quyết định nhận lời làm trợ lý Phó tổng giám đốc, kiêm Trưởng phòng quản lý bán hàng cho ngân hàng A., với mức thu nhập ròng khoảng trên 3.500 USD một tháng. Giám đốc nhân sự ngân hàng này còn vẽ sẵn cho anh con đường thăng tiến, với cái đích là chức Phó tổng giám đốc.

    Đ. từ Singapore về cũng nhận được rất nhiều lời chào mời, chủ yếu từ các liên doanh lớn ở TP HCM, với mức lương được hứa hẹn khá cao, trên 2.000 USD một tháng cùng những khoản thu nhập “phụ” khác khoảng xấp xỉ 1.000 USD nữa. Anh cũng đang dự định cùng một số người bạn mở ra các dự án riêng, mà với kinh nghiệm của bản thân, anh khẳng định những dự án đó sẽ “hái ra tiền”. Ngoài ra, anh vẫn liên hệ với một số công ty tại Singapore và hiện đã có một công ty muốn mời anh về làm việc với một vị trí khá phù hợp. Tuy nhiên, đến giờ anh vẫn chưa quyêt định sẽ lựa chọn nơi nào. “Tôi muốn có ít thời gian nghỉ ngơi và suy nghĩ thêm về con đường cho tương lai”, anh bộc bạch.

    Không nhiều kinh nghiệm như những người trên, T. vừa tốt nghiệp ĐH ở Mỹ thì “đụng” ngay khủng hoảng. Sau ba tháng đi gõ cửa nhiều công ty mà không kết quả, gia đình khuyên anh nên về Việt Nam tìm cơ hội.

    Trước Tết, anh đặt chân đến TP HCM, gửi CV đến các công ty tuyển dụng. Với trình độ chuyên ngành về công nghệ thông tin được đào tạo bài bản, cộng với những kỹ năng bổ trợ hữu dụng, không khó để anh lọt vào “mắt xanh” của các nhà tuyển dụng. Ngay sau Tết, T. đã trở thành chuyên viên tại một quỹ đầu tư với mức lương 2.000 USD một tháng.

    “Ở Việt Nam như thế là tạm ổn”, anh nói với vẻ hài lòng, và cho biết: “Tại chỗ tôi làm còn có gần chục người bạn từ bên Mỹ mới qua. Vì thế, “đội hình” chúng tôi làm việc rất ăn ý và hiệu quả”.

    Không dễ có việc làm

    Để có việc làm trong nước, điều kiện đầu tiên là phải xin giấy phép lao động của cơ quan quản lý Nhà nước địa phương. Người quản lý website VIPdatabase.com cho biết, có không ít CV của ứng viên là Việt kiều không có giấy phép lao động tại Việt Nam. Nhiều cuộc phỏng vấn tuyển dụng phải “đứt gánh giữa đường” vì ứng viên không thể bổ sung giấy phép lao động đúng hẹn dù đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn.
    Ông Huỳnh Văn Thôi, Tổng giám đốc trang tuyển dụng trực tuyến onlinejobs.vn, cho biết, lực lượng lao động là Việt kiều về nước chủ yếu làm trong những ngành mà thị trường lao động Việt Nam luôn “hiếm hàng” như tài chính, công nghệ thông tin, quảng cáo truyền thông, quản lý doanh nghiệp…

    Dẫu vậy, không phải tất cả đều có trình độ cao và nhiều kinh nghiệm. Ông Thôi ước tính, số lao động về nước có trình độ cao chỉ chiếm khoảng 20%, khá khoảng 60%, và phần còn lại là số mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm. Những người có đẳng cấp cao, đã khẳng định tên tuổi, được nhiều doanh nghiệp trong nước săn lùng, dành sẵn cho những vị trí quan trọng trong doanh nghiệp với mức lương khá cao. Số còn lại phải chấp nhận cạnh tranh với lực lượng lao động trong nước và không có nhiều yếu tố hỗ trợ.

    Để có việc làm trong nước, điều kiện đầu tiên là phải xin giấy phép lao động của cơ quan quản lý Nhà nước địa phương. Người quản lý website VIPdatabase.com cho biết, có không ít CV của ứng viên là Việt kiều không có giấy phép lao động tại Việt Nam. Nhiều cuộc phỏng vấn tuyển dụng phải “đứt gánh giữa đường” vì ứng viên không thể bổ sung giấy phép lao động đúng hẹn dù đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chuyên môn.

    Khó hòa nhập

    Thực tế, số Việt kiều thành công trong quá trình tìm việc tại Việt Nam thời gian gần đây không nhiều. Nguyên nhân chính là giữa người lao động và doanh nghiệp chưa tìm được tiếng nói chung. Có khá nhiều vị trí công việc tốt dành sẵn cho các ứng viên Việt kiều, nhưng không phải vị trí nào cũng phù hợp.

    Một trong những nguyên nhân khiến không ít lao động Việt kiều khó hòa nhập với môi trường trong nước là sự khác biệt về văn hóa và phong cách làm việc. Anh H. đã từng tiếp xúc với 5 nhà tuyển dụng, nhưng chưa tìm được một vị trí phù hợp để có thể phát huy khả năng. Còn anh V. cho biết, sau một thời gian ngắn làm việc tại ngân hàng A., anh phải nghỉ việc vì những ý tưởng đổi mới mà anh đề xuất gặp phải những “vật chướng ngại” không thể vượt qua.

    “Sắp tới, tôi phải cân nhắc kỹ hơn khi quyết định đi làm ở đâu đó. Bởi rõ ràng sự khác biệt về văn hóa doanh nghiệp đã tạo ra một khoảng cách không nhỏ giữa chúng tôi với phần còn lại của các doanh nghiệp trong nước”, anh V. nói.

    Bên cạnh đó, nhiều trường hợp có việc làm “ưng ý”, nhưng mức lương nhà tuyển dụng đề nghị không đáp ứng được yêu cầu của các ứng viên.

    (Nguồn: Báo Đất Việt)

  2. #2
    Ngày tham gia
    Nov 2015
    Bài viết
    0
    Lao động ngoại gốc Việt trong 'cuộc chiến' cạnh tranh

    Sự xuất hiện của nhiều lao động Việt kiều đã khiến sức ép cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước tăng đáng kể.

    Ông Huỳnh Minh Quân, Tổng giám đốc một trang thông tin việc làm, cho biết, có hàng trăm lao động Việt kiều được công ty ông giới thiệu cho các doanh nghiệp trong nước, phần lớn được tiếp nhận vào làm việc ở các quỹ đầu tư, ngân hàng và một số doanh nghiệp dịch vụ, du lịch. Song hầu như không có ứng viên Việt kiều nào đến làm việc tại các doanh nghiệp sản xuất.

    Ngoại ngữ 'chuẩn', phong cách chuyên nghiệp

    Theo bà Trần Kim Hạnh, Giám đốc nhân sự công ty xi măng Lafarge VN (100% vốn của Pháp), ngoài những ưu thế về chuyên môn nghiệp vụ, ngoại ngữ, phong cách và các kỹ năng mềm, một trong những ưu thế khác của số lao động Việt kiều là họ không đòi hỏi mức lương quá cao so với lao động người nước ngoài có cùng trình độ và đảm nhiệm cùng vị trí.

    Bà Hạnh cũng cho biết, lương của lao động Việt kiều thường chỉ cao hơn khoảng 20% so với lao động trong nước, nhưng chất lượng và hiệu quả công việc thì cao hơn đáng kể.

    Do được đào tạo bài bản, từng va chạm thực tế trong môi trường làm việc khắc nghiệt ở nước ngoài, lao động Việt kiều có những “độc chiêu” mà lao động trong nước còn khiếm khuyết. Ưu thế nổi bật là các kỹ năng mềm, đặc biệt là khả năng làm việc nhóm rất hiệu quả. Bên cạnh đó, ngoại ngữ tốt khiến họ dễ dàng cập nhật và xử lý thông tin từ nước ngoài.

    Ở một ngân hàng lớn tại TP HCM, quản lý bộ phận dịch vụ nhận xét, hiệu quả làm việc của một nhân sự Việt kiều có khi bằng ba, bốn lao động trong nước. Sở dĩ có được điều này là do những lao động Việt kiều biết tổ chức công việc một cách khoa học, phát huy tối đa năng lực của các cộng sự và trên hết là phong cách làm việc chuyên nghiệp, trách nhiệm.

    Các quỹ đầu tư là nơi thu hút nhiều lao động Việt kiều nhất. Hầu như tại dự án nào của các quỹ này cũng đều hiện diện lao động Việt kiều ở nhiều vị trí khác nhau, từ quản lý điều hành tới phụ trách bộ phận, trực tiếp tực hiện các công đoan nghiệp vụ… Thời gian gần đây, lực lượng lao động gốc Việt từ nước ngoài tại các quỹ đầu tư tiếp tục được bổ sung không chỉ về số lượng, mà chất lượng cũng được nâng cao đáng kể.

    Nhận xét về lực lượng lao động này, Tổng giám đốc một quỹ đầu tư hàng đầu tại TP HCM cho rằng, họ chính là một trong những nhân tố quan trọng mang đến thành công cho đơn vị mình.

    Cạnh tranh không cân sức

    Theo thống kê của Cục điều tra dân số Mỹ, ở các ngành nghề thu nhập cao như quản lý và kinh doanh, người Việt chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm tốn (29,2% người Việt làm nghề quản lý).

    Tuy nhiên, khi xuất hiện trên thị trường lao động Việt Nam, với những lợi thế khá rõ rệt như vừa nêu, lực lượng lao động Việt kiều chắc chắn sẽ khiến cho cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động trong nước trở nên quyết liệt, nhất là trong bối cảnh ở nhiều khu vực nhu cầu việc làm giảm sút mạnh do suy giảm kinh tế.

    Tiến sĩ Lê Thị Thúy Loan, Tổng giám đốc một công ty tư vấn nhân sự, nhận định: “Đây là lúc vai trò của những cá nhân xuất sắc được thể hiện rất rõ ràng đối với sự sống còn của doanh nghiệp. Khả năng làm việc độc lập, sáng tạo, kinh nghiệm và tính quyết đoán của nhiều lao động cao cấp Việt kiều chính là thứ mà các doanh nghiệp cần như chiếc phao cứu sinh giữa hoàn cảnh nguy nan”.

    Vì thế, bà Loan đưa ra khuyến cáo: “Nhìn theo khía cạnh tích cực, thì có thể coi “hiện tượng” này như một cú hích để thúc đẩy nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong nước”.

    Theo bà Loan, việc làn sóng lao động gốc Việt từ nước ngoài đổ về Việt Nam tìm việc đã đặt lực lượng lao động trong nước trước một cuộc cạnh tranh không cân sức. Càng ngày lực lượng lao động từ nước ngoài về sẽ càng thích nghi với điều kiện, hoàn cảnh và môi trường văn hóa doanh nghiệp ở trong nước.

    Khi đó, họ sẽ dễ dàng tiếp cận và chinh phục các nhà tuyển dụng trong nước hơn, đồng nghĩa với việc lực lượng lao động trong nước sẽ càng bị yếu thế hơn, nếu không có sự cải thiện chất lượng đáng kể.

    Theo dự báo của một số chuyên gia thị trường lao động, làn sóng lao động Việt kiều đổ về nước tìm việc sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Có thể vào năm 2010, khi kinh tế thế giới phục hồi, một số sẽ trở về làm việc ở nơi định cư, nhưng chắc chắn sẽ có hàng nghìn người làm việc lâu dài ở Việt Nam. Vì thế, cuộc cạnh tranh trên thị trường lao động hiện nay không phải là nhất thời và được dự báo sẽ càng ngày càng gay gắt.

    Nguồn: Báo Đất Việt

 

 

Quyền viết bài

  • Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
  • Bạn Không thể Gửi trả lời
  • Bạn Không thể Gửi file đính kèm
  • Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
  •