Điều dễ khiến các ứng viên thất vọng, chán nản nhất là khi gặp một công việc như ý nhưng khả năng của mình lại không đủ với những yêu cầu nhà tuyển dụng đưa ra. Thế nhưng, đây là điều rất nhiều ứng viên gặp phải trong quá trình đi tìm kiếm việc làm.

Bạn phải vất vả mày mò, tìm kiếm kỹ càng qua nhiều các trang việc làm trên mạng, kể cả những tờ báo giấy có đăng tin tuyển dụng mới tìm thấy một công việc bạn thực sự thích. Đó là công việc bạn mơ ước và đang tìm kiếm bấy lâu, cho đến khi nhìn thấy tin tuyển dụng bạn đã "kết" lắm rồi. Nhưng khi nhìn đến phần yêu cầu của nhà tuyển dụng đưa ra về các kỹ năng cần thiết, về trình độ chuyên môn... bạn gần như thất vọng vì mình không đủ năng lực.

Có thể, bạn có kinh nghiệm 3 năm chứ không phải 5 năm như nhà tuyển dụng yêu cầu, bạn có bằng cử nhân chứ không phải bằng thạc sĩ, bạn đã từng giữ vị trí quản lý nhưng chưa từng lo trọn gói từ A-Z một dự án...

Trong hoàn cảnh đó, hầu hết các ứng viên đều có một mối băn khoăn chung là có nên apply vào vị trí công việc đó nữa hay không.

Câu trả lời là nên. Thực tế, bạn không mất gì từ việc gửi đơn xin việc và CV cho nhà tuyển dụng cả trong khi sẽ thật tuyệt vời nếu bạn được gọi đến phỏng vấn. Bạn sẽ có cơ hội thể hiện mình và trình bày ý kiến của mình khi đối diện với nhà tuyển dụng. Biết đâu, cơ hội đang trong tầm tay của bạn.

Tuy nhiên, để dễ dàng "lọt mắt" nhà tuyển dụng, bạn nên tự đặt câu hỏi cho mình và tìm câu trả lời để có thể tìm ra hướng khắc phục những thiếu sót của bản thân và đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

Đánh giá lựa chọn của bạn

- Làm thế nào để đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng?

Một số nhà tuyển dụng sẽ không cần cân nhắc đến những hồ sơ không đáp ứng đủ những yêu cầu của họ, thậm chí ứng viên đó có thể là một lựa chọn an toàn bởi đã có khá nhiều năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, một số khác lại chọn cách xem xét tất cả hồ sơ của các ứng viên và goi phỏng vấn khi họ nhìn thấy những kỹ năng, năng lực hay kinh nghiệm làm việc có thể bù đắp cho những thiếu sót khác. Vì thế, bạn cứ tự tin nộp đơn ứng tuyển và ước tính một cách trung thực nhất xem bạn có thể trở thành ứng viên lý tưởng của nhà tuyển dụng bằng cách nào.

- Bạn có làm lãng phí thời gian của nhà tuyển dụng?

Muốn có được công việc như ý dù bạn có đủ năng lực, trình độ của nhà tuyển dụng đi chăng nữa, nếu bạn thực sự quan tâm và nghiêm túc thì hãy nộp hồ sơ. Bạn có nhiều kinh nghiệm ở vị trí này nhưng chưa chắc đã phù hợp với vị trí nhà tuyển dụng đang cần. Vì thế, hãy cân nhắc và chuẩn bị hồ sơ đầy đủ, chu đáo chứ không phải chỉ nộp cho có lệ với tâm lý được thì được mà không thì thôi. Bạn cứ nghĩ mà xem, nếu bản thân bạn còn không nghiêm túc thì liệu nhà tuyển dụng có xem xét hồ sơ của bạn như một ứng viên tiềm năng không hay chỉ làm mất thời gian của họ?

- Bạn đã có kế hoạch cụ thể?

Từ hai điều cần suy nghĩ như trên, bạn hãy tự hỏi mình xem bước tiếp theo cần làm là gì. Sẽ tham gia một khóa học để trang bị cho mình kỹ năng còn thiếu hay là đi làm và tích lũy dần?

Đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng

Theo một cuộc khảo sát cho CareerBuilder tiến hành gần đây, chỉ có 18% các nhà tuyển dụng dành ra ít nhất 20 phút để xem xét CV của ứng viên, 5% chỉ dùng tối đa là 15 giây. Vì thế, bạn phải tạo được cấn tượng tốt với nhà tuyển dụng một cách nhanh chóng nếu muốn được người ta chú ý nhất là khi bạn chưa đáp ứng đủ những đòi hỏi về kỹ năng của nhà tuyển dụng.

Lúc này, bạn hãy đặt mình vào vị trí của nhà tuyển dụng. Hãy tưởng tưởng bạn xem xét các bộ hồ sơ, CV của các ứng viên. Bạn sẽ chú ý đến hồ sơ nào và loại bỏ ngay ứng viên nào từ vòng hồ sơ này. Xem xét một số cách làm như thế này có thể giúp bạn đẩy nhanh cơ hội thành công và hạ cánh an toàn với một công việc như ý.

- Nếu bạn có bạn bè, đồng nghiệp hoặc người thân làm việc tại công ty mà bạn đang ứng tuyển hoặc có quen biết với nhà tuyển dụng, hãy nhờ họ giới thiệu bạn vào vị trí này. Sự giới thiệu của cá nhân như thế là một trong những cách làm hiệu quả nhất khiến nhà tuyển dụng để mắt đến hồ sơ của bạn mà xem xét kỹ hơn.

- Thay vì gửi thể hiện sự hối tiếc về những yếu kém của bạn trong lá đơn xin việc, hãy đưa ra những ví dụ điển hình để cho thấy kinh nghiệm bạn đã tích lũy được. Hơn thế, hãy lập ra những việc bạn có thể làm cho công ty với những cam kết cụ thể.

- Mặc dù không đáp ứng được hết những yêu cầu của nhà tuyển dụng được liệt kê trên giấy tờ, nhưng bạn cũng phải đáp ứng được một số tiêu chí. Với những kinh nghiệm đã có, hãy tự tin nộp hồ sơ và cố gắng đến mức tối đa để phù hợp với những gì nhà tuyển dụng đưa ra chứ không phải ngồi đợi cho đến khi người ta hạ tiêu chuẩn
Nguồn : zing news