Loạt bài khởi nghiệp với những kinh nghiệm từ thực tế Việt Nam sẽ góp phần giúp những người làm công nghệ trong lĩnh vực Internet, mobile tháo gỡ những khó khăn khi muốn sản phẩm của mình được ứng dụng rộng rãi, cũng như khởi sự kinh doanh thành công.

"Làn sóng thứ 2" của ngành Internet và mobile Việt Nam có dấu hiệu xuất hiện với các thương vụ đầu tư lớn gần đây của nước ngoài, như đầu tư vào VMG với mức định giá 75 triệu USD, vào MJ Group với mức định giá 60 triệu USD, vào Vatgia và Punch với vài chục triệu USD. Đặc biệt là ngân hàng đầu tư hàng đầu Goldman Sachs đã mua cổ phần VNG năm 2010 với mức định giá hàng trăm triệu USD. Các quỹ đầu tư mạo hiểm đang hoạt động ngày một tích cực, và nhiều "cao thủ" công nghệ đang ráo riết xây dựng sản phẩm, mô hình kinh doanh, và gọi vốn đầu tư...

Tuy nhiên nhiều người làm công nghệ lại khá xa lạ với các kiến thức về mô hình kinh doanh, tiếp thị sản phẩm, gọi vốn đầu tư, quản lý tài chính... Trong loạt bài "Khởi nghiệp trên Internet và mobile" đăng trên Thế Giới Vi Tính - PC World Vietnam Online, các huấn luyện viên của Học viện Sáng nghiệp TOPICA (TOPICA Founder Institute) sẽ chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm thiết thực, gần gũi với thực tế Việt Nam.


Các đại diện Zing Me, Go.vn, Tamtay.vn chia sẻ kinh nghiệm với cộng đồng khởi nghiệp
Một trong những chủ đề được quan tâm nhất là gọi vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm. Những câu hỏi thường đặt ra là giá trị của sản phẩm, hay định giá công ty sẽ được tính như thế nào, có thể gọi bao nhiêu vốn, thuyết phục nhà đầu tư ra sao... Những nội dung dưới đây sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi đó.

- Số tiền đầu tư lần đầu từ quỹ mạo hiểm (hay còn gọi là First Round, Series A) thường từ 200 nghìn đến 1 triệu USD. Vì một số lý do, rất hiếm khi các quỹ mạo hiểm (venture capital - VC) đầu tư trên 1 triệu hoặc dưới 200 ngàn.

- Với số tiền đó, các quỹ VC thường muốn mua được 25%-40% cổ phần công ty (Series A). Hiếm khi vượt quá 40% vì VC có nguyên tắc là các cổ đông sáng lập (ở đây là nhóm tác giả sản phẩm đứng ra thành lập và điều hành công ty) phải cảm thấy đó vẫn là công ty của mình, thì họ mới quyết tâm bỏ công sức hết mình trong 5-7 năm hoặc hơn nữa cho đến khi nhà đầu tư thoái vốn (chuyển nhượng lại, hoặc bán cổ phần sau khi niêm yết trên sàn chứng khoán). Hiếm khi xuống dưới 25% vì VC muốn giữ tỷ lệ cổ phần đáng kể cho tới khi thoái vốn.

- Mức định giá công ty do đó dao động từ 500 ngàn USD đến 4 triệu USD (200 ngàn=40%, hay 1 triệu=25%). Định giá này gọi là post-money valuation ("định giá sau trả tiền", tức là bao gồm cả tiền mới đầu tư).

- Định giá pre-money ("trước tiền", tức là chưa gồm tiền mới đầu tư) chính là giá trị cổ phần của các cổ đông sáng lập. Cách tính đơn giản là định giá post-money trừ đi khoản tiền mới đầu tư, tức là sẽ dao động từ 300 ngàn đến 3 triệu USD.

- Định giá cụ thể dựa trên doanh thu, lợi nhuận đã có, đẳng cấp của nhóm tác giả, mô hình kinh doanh, tính khả thi, quy mô thị trường... Các quỹ đầu tư sử dụng nhiều phương pháp chuyên môn như DCF, Multiples, VC Method... để định giá. Nhưng quan trọng nhất là khả năng thuyết phục và đàm phán của các cổ đông sáng lập (sẽ chia sẻ trong các bài viết sau). Giữa mức định giá do cổ đông sáng lập mong muốn, và mức do VC đề xuất chênh lệch nhau gấp vài ba lần là chuyện bình thường, và vẫn có thể thỏa thuận được với nhau.

- Thường khoản tiền đầu tư sẽ giải ngân thành 2-3 lần, theo các mốc thỏa thuận trước, ví dụ doanh thu đạt bao nhiêu, số lượng người dùng đạt bao nhiêu...


Các nhà đầu tư từ IDG Ventures, Techcom Capital, CMC Fund tại buổi "Luyện thuyết phục nhà đầu tư" do TOPICA Founder Institute tổ chức.
- Theo thông lệ các công ty khởi nghiệp thường có vốn điều lệ khoảng 500 triệu đến 2-3 tỷ VND. Vốn điều lệ thường không ảnh hưởng nhiều đến định giá công ty trong các thương vụ như thế này. Nếu gọi vốn thành công, nhóm tác giả sẽ có trong tay giá trị cổ phần (tức là định giá "pre-money") vào khoảng 300 ngàn đến 3 triệu USD, tương đương với khoảng 6 đến 60 tỷ VND. Nói cách khác là cổ phần sẽ lên 2-3 "chấm" đến vài chục "chấm". Điều này chỉ có ý nghĩa trên giấy tờ cho đến khi công ty thành công, chuyển nhượng lại hoặc lên sàn. Các tác giả hoàn toàn có thể vui mừng và tự tin bước vào chặng đường mới, nhưng cũng cần ý thức rằng đây mới là bước đầu tiên trong chặng đường nhiều năm gian truân, đầy thử thách.

- Nhiều nhóm tác giả chưa đạt được "độ chín" về sản phẩm, mô hình kinh doanh, đội ngũ nhân lực... để thuyết phục quỹ VC, thường cần các nguồn đầu tư nhỏ hơn từ "bootstrap" (tự xoay xở), "3F" (Family, Friends and Fools, thuật ngữ vui chỉ gia đình, bạn bè và người “dại dột” đầu tư cho mình), "Angel" (nhà đầu tư cá nhân). Đây cũng là những chủ để rất thú vị, chúng tôi sẽ chia sẻ trong các bài sau.




Một chủ đề khác sẽ được đề cập trong loạt bài này là "Lựa chọn và thuyết trình mô hình kinh doanh". Các bạn quan tâm đến vấn đề này có thể trải nghiệm trực tiếp tại buổi "Phản biện mô hình kinh doanh" do TOPICA Founder Institute tổ chức ngày 12/10/2011 tới. Chi tiết xem tại: Ch??ng trnh Ph?n bi?n m hnh kinh doanh – 18h Th? 4, 12/10/2011 | TOPICA Founder Institute Blog

Kh?i nghi?p trn Internet v mobile: ??nh gi khi g?i v?n ??u t? - PC World VN