Phản hồi loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT”: Cơ quan chức năng phải trả lời trước dân

cập nhật: Thứ năm, 06/08/2009

Bức xúc với các vấn đề mà loạt bài “Những nẻo đường trốn thuế VAT” đã nêu, các lãnh đạo, doanh nghiệp (DN), bạn đọc đã lên tiếng đề nghị xử lý thật nặng những đơn vị vi phạm, yêu cầu các cơ quan chức năng phải trả lời về việc quản lý lỏng lẻo làm TPHCM thất thu ngân sách, để hàng lậu tràn lan khiến người tiêu dùng bị thiệt. Bạn đọc còn hiến kế các giải pháp hạn chế việc bán hàng không xuất hóa đơn.

*
Ông Huỳnh Công Hùng - Phó ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND TPHCM: Trách nhiệm thuộc về cơ quan thuế, quản lý thị trường

Thuế VAT đã có 12 năm, nhưng đến giờ nhiều nơi vẫn không thực hiện đúng các quy định. Bản thân tôi cũng mua chiếc máy giặt 10 triệu đồng ở Trung tâm Điện máy Nguyễn Kim nhưng vẫn không được giao hóa đơn bán hàng, với lời giải thích là sợ sự cố hàng lỗi, khách hàng trả lại hàng. Điều đó không đúng, bởi khi xuất kho bán cho khách, hàng phải được kiểm tra đảm bảo chất lượng.

Hơn nữa, luật quy định khi thu tiền, đơn vị bán hàng phải xuất hóa đơn, dù khách không yêu cầu. Bán hàng không xuất hóa đơn, làm thất thu ngân sách và để hàng lậu trà trộn trên thị trường, trách nhiệm trước hết là ở các ngành chức năng khi thiếu thanh tra, kiểm tra mà cụ thể là cơ quan thuế, quản lý thị trường.

Cán bộ quản lý thị trường là người thay mặt nhà nước kiểm tra kho hàng, chất lượng hàng hóa, xem DN có đầy đủ hóa đơn, chứng từ, nhãn mác hàng hóa và cả thời hạn sử dụng có phù hợp không… Cán bộ thuế kiểm tra hóa đơn, chứng từ, sổ sách… Thế nhưng, tại sao các cơ quan này để vi phạm kéo dài - câu hỏi này phải dành cho chính các cơ quan ấy trả lời. Các ngành này phải chịu trách nhiệm trước nhân dân. Ngay cơ quan công an cũng cần vào cuộc điều tra, kiểm tra quá trình thực hiện thuế VAT ở các công ty.

Trong việc này cũng có phần lỗi của các cơ quan truyền thông, khi thông tin không đến nơi đến chốn, khiến người dân lầm tưởng mua hàng không hóa đơn, giá sẽ rẻ hơn mà không hiểu rằng giá bán đã có thuế. Người dân cũng có một phần trách nhiệm trong việc này vì không ý thức trong việc yêu cầu đơn vị bán hàng xuất hóa đơn, nếu không xuất thì phải báo cho cơ quan chức năng xử lý.

*
Bà Hoàng Ngọc Vy - Tổng Giám đốc Công ty Viễn Thông A: Không xử lý nghiêm là bất công đối với doanh nghiệp làm đúng

Là đơn vị nghiêm túc thực hiện việc xuất hóa đơn cho khách hàng khi thu tiền, nên chúng tôi rất bức xúc khi việc này không được các công ty, cửa hàng khác thực hiện đồng bộ.

Dẫu tiêu chí của chúng tôi là xuất hóa đơn chứng từ đầy đủ, bảo vệ quyền lợi khách hàng và chấp nhận giảm lợi nhuận để mang lại giá tốt nhất cho khách, nhưng quả là không công bằng khi chúng tôi bán hàng có hóa đơn chứng từ, kê khai sổ sách kế toán đầy đủ, đúng pháp luật thì lại không có lợi nhuận bằng các đơn vị trốn thuế, bán hàng với giá không thuế, bán hàng không xuất hóa đơn rồi kê khai thuế thấp để hưởng lợi.

Thử nhìn, doanh số bán ra của chúng tôi trong tháng 6 - chủ yếu chỉ một mặt hàng, mà đã đạt 145 tỷ đồng, trong khi đó Trung tâm Điện máy Phan Khang chỉ kê khai bán ra có 29 tỷ đồng. Rồi nhiều cửa hàng bán giá không thuế, trà trộn hàng không hóa đơn chứng từ bán cho khách giá rẻ, làm chúng tôi “nhức đầu” khi cạnh tranh với họ. Đó là sự cạnh tranh không lành mạnh, không công bằng khi chúng tôi phải cắt giảm lợi nhuận để đảm bảo quyền lợi cho khách hàng.

Chúng tôi mong các cơ quan chức năng làm rõ, có biện pháp kiểm tra, chế tài thật nặng các đơn vị bán hàng không xuất hóa đơn làm cho thị trường lành mạnh hơn. Điều đó không chỉ bảo vệ quyền lợi cho DN chân chính mà còn là bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, vì khi mua hàng không có hóa đơn, nếu gặp sự cố khách hàng không đủ chứng từ để bảo vệ quyền lợi cho mình.

*
LS. Lê Hà Gia Thanh - Đoàn Luật sư TPHCM: Đã đủ chứng cứ, sao không xử?

Những thủ đoạn gian lận thuế VAT mà Báo SGGP nêu là “phương thức” kinh doanh phổ biến của các DN hiện nay. Điều này làm người dân phẫn nộ. Bởi luật pháp đã có đầy đủ chế tài xử lý đối với các cá nhân, DN vi phạm nghĩa vụ nộp thuế (về mặt hình sự, hành chính), nhưng thực tế triển khai thi hành còn nhiều bất cập.

Thay vì “thay mặt” người tiêu dùng đóng thuế cho nhà nước, các DN sẽ tìm cách xén vào phần nghĩa vụ của mình và “xơi” luôn phần thuế mà dân đã đóng. Tất cả thông tin mà báo chí cung cấp cho bạn đọc đã đủ chứng cứ để xử lý các DN vi phạm này, tại sao chưa thấy các cơ quan chức năng xử lý?

Để giữ nghiêm minh cho pháp luật, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng nên đưa các DN trốn thuế “đình đám” trên ra xử lý làm gương. Các cơ quan chức năng không có gì khó khăn trong việc phát hiện và xử lý vi phạm vì vi phạm đang nhan nhản trên thị trường. Nếu không xử lý được, chắc chắn là có tiêu cực.

*
Bạn đọc dùng email nguyenphuonghuy@gmail.com: Thu thuế nhiều hơn

Người tiêu dùng hiện nay không có ý thức nhận và giữ hóa đơn vì còn nhiều cửa hàng trốn thuế, bán giá không thuế - nếu khách hàng lấy hóa đơn phải trả thêm thuế VAT, mà lấy hóa đơn cũng chẳng để làm gì.

Vì vậy, để quản lý được việc xuất hóa đơn, ngoài việc xử phạt thật nặng các đơn vị vi phạm, theo tôi, nhà nước cần thực hiện một trong các giải pháp sau: Người tiêu dùng mua hàng phải giữ lại hóa đơn để được khai báo thuế và giảm trừ thuế (một số nước trên thế giới đã áp dụng hình thức này để tính thuế thu nhập cá nhân). Thứ hai là Nhà nước tổ chức rút thăm may mắn trên số hóa đơn vào mỗi tháng.

Ví dụ như Đài Loan (Trung Quốc) có tiến hành rút thăm trúng thưởng cho tất cả người tiêu dùng, như vậy, họ sẽ ý thức việc lấy hóa đơn hơn. Tuy giải thưởng có giá trị cao đến mấy đi nữa thì vẫn không bằng một phần của số tiền thuế bị “thất thoát”. Như vậy, Nhà nước dễ dàng quản lý cho cả mục đích quản lý thuế của DN và thuế của cá nhân.
Nguồn: Nhóm PV - SGGP