Bà tôi hoài nghi:
- Có thể làm được không?

Thầy bất giác thờ dài:
- Cuộc đời là hư sinh biết đâu thật giả, không thể lìa chúng sanh mà có Phật, không thể lìa khổ vui mà có Niết - bàn tịnh lạc. Kẻ chạy trốn trần gian để tìm Phật sẽ buồn mà chết. Kẻ bỏ phật về với chốn trấn gian sẽ mất đi Tri kiến Phật rồi cũng như đời bỏ đi thôi.

Tôi đứng cách thầy và bà một khoảng. Chợt thấy giữa khoảng không bao la mênh mông vô thường, dưới sự che chở của phật mà sao thầy và bà tôi cô độc quá! Bóng hai người đổ chống lên nhau theo hình chữ V, điểm đầu gặp gỡ điểm cuối rời xa.

Mấy mùa xuân sau, không còn thấy bà lên chùa chúc Tết thầy nữa. Thầy cũng không hỏi tôi tại sao. Thi thoảng thầy gửi tôi mấy thang thuốc bảo tôi về sắc lên rồi chăm sóc bà cẩn thận. Bà nhận thuốc của thầy, không sắc mà treo lên giàn bếp. Mỗi lần cô tôi nhóm lửa nấu cơm khói bếp từ nhà tôi bay lên thơm đến lạ.

Mùa xuân năm ấy tôi tròn mười sáu tuổi, làng tôi có hội chèo về diễn. Họ mượn sân chùa để diễn vở “Quan âm thị Kính”. Tôi cùng cô trốn bà lên chùa xem, lúc về thấy hoa sầu đông rụng tím trên đầu hai cô cháu, bà giận dỗi: “Chúng mày đi xem chéo để xí sớn với trai làng đấy phỏng?”. Cô tôi cam chịu nghe lời bà không dám bỏ đi. Đêm diễn đến, nghe tiếng trống chèo giục giã, tiếng trai gái trong làng rủ nhau đi xem chèo tôi lại sốt ruột ngồi lên nằm xuống không yên. Tôi ngồi trong buồng, áp mặt vào song cửa, hai tay thò ra ngoài bứt từng đám lá khế, mắt hướng ra phía chùa nơi có tiếng Thị Màu hát lên đầy khao khát, tình tứ: “…Ới… ới… ới này thầy tiều ơi! Thầy như táo rụng sân đình, em như gái dở đi rình của chua”. Tôi mở cửa lén bà chạy đi. Đêm về khuya tôi thì thầm với cô “Thị Màu xinh lắm cô ạ! Tội nghiệp Thị Mầu yêu nhầm Thị Kính giả trai. Trái tim đặt không đúng chỗ nên bi kịch là đúng”. Cô ngái ngủ: “Cái con này bị nhiễm tư tưởng của mấy đứa trên phố rồi”. Không hiểu sao bà vẫn biết tôi trốn đi, bà cấm tiệt tôi lên chùa.

Khi hoa sầu đông rụng hết, xuân tàn, hội chèo vãn trả lại sự yên tĩnh vốn có cho chùa. Vào một đêm khuya, chú tiểu đến nhà chúng tôi hoảng hốt thông báo: “Sư cụ sắp tịnh rồi!”. Bà tôi chỉ mặc mỗi cái yếm, vội vàng cùng chúng tôi chạy về chùa. Đến ngồi trước giường của thầy, thấy bà, thầy cầm tay bà tôi rồi gọi: “Xoan ơi!”, Xoan là tên bà tôi lúc còn trẻ. Gọi xong thầy mắt thầy nhắm nghiền lại tay vẫn để yên trong lòng bà tôi. Chú tiểu ngồi bên lay gọi: Bạch thầy! Bạch thầy! Thầy vẫn nằm yên lặng. Bà tôi vuốt nhẹ lên gương mặt thầy, để lại nhà chùa lo liệu hậu sự cho thầy còn bà đi thẳng ra bờ sông làng ngồi đó cho hết đêm khuya. Hôm sau, bà vẫn không đến thắp hương cho thầy, bà đưa cho tôi một gói nhỏ cùng mấy thang thuốc bà giữ trên bếp từ lâu rồi bảo tôi hỏa táng giùm bà. Từ đó, bà sống trầm lặng hơn.

Thương chú tiểu khóc nhiều, lại thức khuya để tụng kinh cho thầy mắt sưng mọng nên bà cho phép tôi lên chùa an ủi chú. Tôi động viên: “Thầy đi cũng mãn nguyện chú nhỉ?”. Chú tiểu trở nên già dặn sau sự ra đi của thầy: “Thí chủ không biết thôi! Thầy đến với cửa phật nhưng còn nặng nợ với đời lắm. Thầy vốn không có căn duyên cửa Phật. Ngày trước thầy thường nói: “Với Phật, thầy cũng không làm tốt nhiệm vụ của một Phật tử, với đời, thầy cũng không làm trọn bổn phận con người”. Vậy, thầy nhắm mắt cũng đâu có yên lòng. Cái duyên đưa thầy đến với cửa Phật cũng chẳng qua bắt đầu từ một sự trốn tránh đối với cuộc đời. Thầy vốn không phải người làng này, thời trai trẻ thầy tha phương phiêu bạt rồi dừng chân ở làng này. Thầy mê và yêu một cô gái xinh đẹp và hát hay nhất làng nhưng bố mẹ cô cấm đoán hai người. Họ chê thầy là dân ngụ cư, ép gả cô gái cho người khác khi cô đang mang trong bụng đứa con trai thầy. Trong đau khổ thầy đã đến gửi mình nơi cửa Phật. Còn cô gái, sau một thời gian chung sống, khi đang mang trong bụng đứa con thứ hai thì bị người chồng phát hiện ra đứa con trai đầu là con người khác đã bỏ rơi cô. Người con gái đó xem ra vô phúc lắm! Cả thầy và người con gái đó được giải thoát khỏi những ràng buộc của cuộc đời nhưng đâu thể trả món nợ cho cửa Phật."

Thầy trụ trì mất không lâu thì bà tôi cũng quy tiên. Trước khi mất, bà cầm tay tôi dặn đi dặn lại: “Phải thi đại học cho đậu rồi lên thành phố sống tránh xa ngôi chùa ở làng này ra. Mồ mả tổ tiên đã có cô lo”. Bà mất, chú tiểu đến đề nghị chúng tôi đưa hương hồn bà gửi vào trong chùa. Cô tôi gật đầu đồng ý. Cái đêm ngồi trực bên quan tài, nhìn vào hình hài đã không còn sự sống của bà tôi thấy chưa bà giờ bà lại đẹp đến thế. Có lẽ bà hóa tiên cũng nên. Những nếp nhăn, những đau khổ, những dằn vặt của cuộc đời bà đã tan biến theo linh hồn để lại một thể xác vẹn nguyên như buổi ban đầu bà xuất hiện trên mặt đất này. Bà mất, cô tôi bán một phần đất gửi tiền ngân hàng để tôi học hành. Tôi đậu đại học lên thành phố. Hôm gói gém đồ đạc để tiễn tôi đi cô tôi nghẹn ngào:

- Mày lên thành phố ráng học giỏi rồi đừng quay về làng nữa!

Tôi cười với cô:

- Cháu lên thành phố học thật giỏi sau đó cháu về đón cô lên nhé!

- Thôi tao yên phận ở cái làng này rồi, vả lại tao đi ai chăm lo mổ mả tổ tiên cho?

- Thế học xong cháu về ở với cô.

- Mày không nghe bà dặn à! Mày phải tránh xa khỏi cái làng này nghe chưa? Tao cũng là con gái của bà nhưng bà thương mày hơn cả thương tao. Ngày mẹ mày bỏ mày đi theo người khác, tao định trả mày về bên ngoại nhưng bà nhất định không chịu, bà giữ lại mày bằng được. Bà bảo, mày sẽ trả nợ cho cuộc đời bà, sau này mày sẽ hiểu.