Những người đàn ông này vốn được bố mẹ, anh chị bao bọc từ nhỏ nên cũng ít khi tự lập, quyết đoán hay có trách nhiệm với gia đình. Tất nhiên, không phải ai được bố mẹ nuông chiều cũng đều trở thành người như vậy. Nhưng đa số họ có điểm chung là không biết làm việc nhà và chăm sóc bản thân.

Điều gì khiến một anh chàng trở thành “cậu ấm” của mẹ?

Những anh chàng luôn được mẹ yêu chiều thường có khuynh hướng trở thành “cậu ấm”. Mẹ họ thường sống thiếu thốn tình cảm, nhất là vắng đôi tay chăm sóc của người đàn ông, do đó khuynh hướng tạo ra mối quan hệ không ít người phải phụ thuộc vào bà.

Khi cậu con trai lớn lên, cậu hay lo sợ mẹ sẽ buồn bã thất vọng nếu mình không còn sống gần gũi bên bà. Do vậy vô hình chung đã tạo ra một mối quan hệ “cộng sinh”, cả mẹ và con trai đều sợ phải sống tách rời người kia.

Cơ sở nào để đánh giá mối quan hệ giữa hai mẹ con là bình thường hay tiêu cực?

Một cậu con trai trưởng thành, tự lập sẽ dám nói “không” với mẹ, anh có quyền chọn lựa và quyền tự quyết, có thể tự do yêu đương mà không phải lo sợ mẹ mình sẽ ganh tỵ hay can thiệp vào, đồng thời cảm giác thoải mái khi thấy mẹ mình vui hưởng cuộc sống riêng của bà.

Phải làm gì khi người mẹ xử sự bình thường nhưng con trai bà vẫn chưa hết “bám váy mẹ?”

Trường hợp này xảy ra do lúc người yêu bạn còn nhỏ, mẹ chàng đã tạo ra một mối quan hệ phụ thuộc tiêu cực giữa hai mẹ con. Khi con trai trưởng thành, bản thân bà muốn con mình phải tự lập hơn nhưng “cậu ấm” vẫn chưa sẵn sàng rời khỏi tổ. Chàng vẫn mong đợi mẹ đưa tay cho mình bám vào, chăm sóc và thỏa mãn mọi yêu cầu của mình cho dù bây giờ mẹ anh không còn muốn thế nữa.

Nếu chàng của bạn thuộc dạng này, hãy giúp anh nhận ra thực tế rằng mình cần phải “lớn lên”. Nếu chàng vẫn không thay đổi hãy dũng cảm nói lời chia tay vì chàng sẽ không bao giờ thôi bám lấy mẹ, thậm chí tệ hơn nữa là sẽ biến bạn thành bà mẹ thứ hai và muốn bạn làm y hệt mẹ chàng.

Làm gì khi chàng chưa tự lập vì chính mẹ vẫn trói buộc chàng?
Trong trường hợp này, tốt hơn hết bạn nên vỗ về, thuyết phục chàng bắt đầu đặt ra một số giới hạn với mẹ. Số lượng không quan trọng, điều chính yếu là chàng phải cảm giác thoải mái khi thông báo với mẹ về những giới hạn đó.

Đấu tranh trực diện với mẹ chàng là hay hay dở?
Nếu bạn chỉ mới bắt đầu mối quan hệ, bạn không nên tấn công trực diện mẹ chàng. Có thể bà sẽ ngăn cản mối quan hệ giữa chàng và bạn. Khi đó chàng sẽ rơi vào áp lực phải chọn hoặc mẹ hoặc người yêu. Và do mối quan hệ giữa hai bạn chưa có gì sâu đậm, chàng sẽ có khuynh hướng nghiêng hẳn về phía mẹ mình.

Nếu hai bạn đã bên nhau khá lâu và thật lòng muốn tiến tới với nhau nhưng mẹ chàng vẫn tiếp tục can thiệp hoặc không tôn trọng bạn cũng như mối quan hệ của hai người, bạn có thể mời bà đi ăn trưa để bày tỏ suy nghĩ của mình. Có thể mở lời như sau: “Con biết bác sẽ cảm giác khó khăn khi để anh ấy thật sự là chính mình. Con mong bác sẽ không cảm thấy như bị con cướp mất con trai mà ngược lại, quan hệ giữa hai mẹ con sẽ tiến thêm một bước mới trong đó có sự hiện diện của cả con nữa”.

Tuy nhiên, bạn không nên làm như trên nếu không có sự hậu thuẫn của người yêu. Nếu không, mẹ chàng có thể quay ngược trở lại, bảo chàng rằng bạn muốn lên mặt dạy bà và hình ảnh của bạn sẽ càng tệ hơn trong mắt chàng.

Khi nào “cậu ấm” mới ngộ ra điều hay lẽ phải? Và khi nào bạn nên từ bỏ hi vọng cải tạo con người chàng?
Anh chàng của bạn hoàn toàn có thể thay đổi theo chiều hướng tích cực nhưng chỉ khi anh ấy vui vẻ thừa nhận rằng mối quan hệ giữa hai mẹ con cần phải được điều chỉnh lại. Còn nếu bạn đã cố gắng đủ mọi cách làm anh ấy “sáng mắt” ra nhưng anh ấy vẫn để mặc mọi chuyện như cũ, đến lúc phải chấm dứt mối quan hệ rồi đấy.

Tóm lại, hãy cố gắng thể hiện sự cảm thông cũng như tận dụng khiếu hài hước của bạn để cải biến chàng. Giận dữ, yêu sách, thúc giục, gây hấn hay bình phẩm này nọ về mẹ chàng có thể sẽ đẩy chàng quay lại với người chẳng bao giờ đối xử như thế với chàng, và bạn biết người đó là ai rồi đấy!