Trước 30 tuổi, không quan trọng là bạn làm ở công ty nào, mà quan trọng là bạn làm việc với ai. Ở tuổi 25, bạn được phép sai lầm, được phép vấp ngã rồi đứng dậy!

Đây là những lời tỷ phú Trung Quốc Jack Ma trả lời trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình Hàn Quốc KBS khi nói về chủ đề “Kinh tế toàn cầu, kiến tạo thời đại châu Á mới”. Tỷ phú Jack Ma được mệnh danh là “ông trùm thương mại điện tử”, là cha đẻ của tập đoàn Alibaba và nhiều công ty thương mại điện tử lớn ở Trung Quốc, sớm thành công ở độ tuổi 40. Tại cuộc phỏng vấn này, Jack Ma đã có nhiều chia sẻ về kinh nghiệm sống và bài học thành công đáng học hỏi.

Nhà tỷ phú 52 tuổi người Trung Quốc đã chỉ ra cho mọi người thấy được định hướng cần làm trong suốt chặng đường kiếm tìm sự thành công kể từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Trong đó, ông cũng đã nói rằng ’25 tuổi, cứ sai lầm thoải mái! Trên 40 thì đừng nhảy lung tung nữa!’. Tất nhiên, bạn cũng không thể bỏ qua những dấu mốc quan trọng khác ở trước tuổi 20, 30 hay 50.

Jack Ma tại buổi diễn thuyết trên sóng KBS, ông gây ấn tượng mạnh bằng những phát biểu mang tính thúc đẩy, cổ vũ và truyền cảm hứng cho giới trẻ. Jack Ma cũng thể hiện khả năng nói tiếng Anh trôi chảy đáng nể của mình.

Tại buổi diễn thuyết, từ kinh nghiệm của bản thân, ông khuyên những người trẻ rằng:

Trước 20 tuổi: Hãy học hành thật tốt, học hỏi một số kinh nghiệm.

Trước 30 tuổi: Hãy tìm cho mình 1 người sếp giỏi, tới làm việc ở một công ty nhỏ. Nhiều người cho rằng thường thì các công ty lớn sẽ cho bạn cơ hội học hỏi quá trình phát triển và bạn sẽ trở thành một phần của “một cỗ máy lớn” . Nhưng khi bạn tới làm việc ở công ty nhỏ, bạn sẽ học được đam me, học cách ước mơ, học cách làm được nhiều việc cùng một lúc. Bởi vậy, trước 30 tuổi, không quan trọng bạn làm việc cho công ty nào, quan trọng là bạn được làm việc với sếp như thế nào. Điều này rất quan trọng! Một người sếp giỏi sẽ dạy chúng ta theo cách khác biệt.

Ở tuổi 25, hãy cứ sai lầm! Bạn có thể vấp ngã, rồi đứng lên, rồi có thể lại vấp ngã, hãy mạnh mẽ đứng lên và đừng lo lắng gì cả, bạn mới chỉ 25 tuổi thôi, bạn được phép sai lầm và học hỏi ở độ tuổi này.

Từ 30-40 tuổi: Bạn nên suy nghĩ thật kỹ, rằng “Bạn đang làm việc cho chính mình, vì chính mình hay vì điều gì khác?”. Nếu muốn trở thành Doanh nhân hãy tự kinh doanh riêng.

Từ 40 – 50 tuổi: Hãy tập trung làm tất cả những gì mà mình giỏi nhất, đừng cố nhảy sang lĩnh vực khác vì đã muộn rồi. Bạn có thể sẽ thành công, nhưng tỉ lệ thất bại ở độ tuổi này là rất lớn. Bởi vậy, hãy suy nghĩ thật kĩ về việc mà mình giỏi nhất, làm thế nào để tập trung vào việc đó.

Từ 50- 60 tuổi: Hãy đầu tư vào thế hệ trẻ! Bởi thế hệ trẻ lúc đó sẽ làm việc tốt hơn bạn, lúc đó bạn nên dựa vào những gì họ giỏi nhất, những người tốt nhất.

Khi bạn quá 60 tuổi: Hãy dành thời gian cho chính mình, có thể là tắm biển, tắm nắng…

25 tuổi, bạn được phép sai lầm, được phép vấp ngã, rồi đứng lên… tất cả sẽ là những kinh nghiệm đáng quý.


Trong những quan điểm trên, điều khiến tôi tâm đắc nhất là: Trước 30 tuổi, hãy làm việc cùng một người sếp tốt.

Ở độ tuổi từ 22- 30, khi bạn vừa ra trường hoặc mới bắt đầu công việc ở những lĩnh vực mới, việc làm việc cùng người sếp tốt, hiểu năng lực của bạn, một người sếp sâu sát trong công việc, sẵn sàng chỉ trích nếu bạn làm không tốt, hướng dẫn bạn để làm việc tốt hơn và là người tạo động lực, thúc đẩy sự phát triển của bạn khi cần.. là những điều thực sự đáng quý!

Có thể ví những người ở độ tuổi này như tờ giấy trắng, chưa có nhiều kinh nghiệm hiểu biết trong môi trường công sở, thì khi làm việc với sếp tốt, họ sẽ vẽ nên những nét định hình đầu tiên về môi trường mới cho tờ giấy trắng đó. Bởi vậy mới nói việc có một sếp giỏi về chuyên môn, giỏi nghiệp vụ hướng dẫn quả thực là điều may mắn cho bất kì ai.

Sếp tốt có thể tạo động lực cho nhân viên cống hiến gấp đôi, gấp ba, nhưng đôi khi cũng có thể khiến họ nản chí vì phải cố gắng nhiều, nỗ lực học tập gấp đôi gấp ba. Bởi vậy, có thể khẳng định, khi bạn mới chập chững vào nghề, việc có một người sếp để học hỏi tất cả mọi mặt là hết sức quan trọng.

Nguồn NamPlus