(Dân trí) - Nền kinh tế bất ổn dẫn đến tỉ lệ thất nghiệp gia tăng, khi đó, chúng ta bắt đầu quan tâm nhiều hơn tới việc làm sao để giữ chiếc “cần câu cơm” của mình. Trong cơn lốc cắt giảm nhân sự, bạn nên dè chừng 5 mẫu đồng nghiệp sau đây.

1. Người làm việc nhanh

Người đồng nghiệp này luôn giành chiến thắng trong mọi “cuộc đua”. Ví dụ, khi sếp đề nghị các nhân viên đưa ra ý kiến của họ về một dự án mới nhận thì người ấy luôn là người đầu tiên phát biểu trong khi mọi người còn chưa nhận biết rõ được tình hình. Với những người này thì tốc độ hoàn thành công việc được đưa lên hàng đầu thay cho chất lượng.

Khi cùng nhóm với họ, bạn nên dành thời gian để xem lại những công việc mà họ đã làm. Nếu có điểm gì mà chưa tốt nên cùng nhau thảo luận và đưa ra giải pháp khác để đảm bảo công việc không còn sai sót nữa.

2. Người thích “lẻ loi”

Đây là kiểu đồng nghiệp kín đáo và đề phòng với tất cả mọi người. Họ lo lắng rằng những ý tưởng tuyệt vời của họ sẽ bị ai đó lấy cắp nếu để lộ ra vì thế họ có xu hướng làm việc một mình từ đầu đến cuối.

Khi phải làm việc cùng người này, bạn nên để cho cô/anh ấy có không gian riêng và có niềm tin ở bạn. Bạn có thể liên lạc để biết tiến triển công việc qua email hay khi bạn đi ngang qua nơi làm việc của họ. Hãy nói với họ rằng cứ gọi bạn bất cứ lúc nào khi họ cần sự giúp đỡ.

3. Người cho mình là ngôi sao

Không có thách thức nào là khó khăn với kiểu đồng nghiệp này bởi vì họ có mối quan hệ ngầm với nhiều nhân viên cấp cao trong công ty.

Khi làm việc cùng với đồng nghiệp này hãy để cô/anh ấy được là người quản lý nhóm hay có thể cho họ là người đại diện của nhóm phát biểu kế hoạch dự án trong các cuộc họp. Nhờ vậy nhóm bạn sẽ gây được sự chú ý của sếp và thậm chí của cả những nhân vật cao hơn. Thành công người đó đem lại sẽ là thành công của cả nhóm.

4. Người nghiện việc

Nhân viên này lúc nào cũng xin thêm việc về làm một phần để có được hình ảnh tốt trong mắt sếp và một phần bởi vì họ thích được làm việc. Chú ý quan sát bạn có thể học hỏi nhiều từ người đồng nghiệp này như các kỹ năng làm việc, các kiến thức mới cập nhật,…

Nhưng khi phải làm việc chung nhóm với người này thì bạn nên chia đều công việc thay vì một trong hai người làm gần hết. Nghiện việc chỉ khiến bạn bị căng thẳng và kết quả công việc thì không chắc đã tốt.

5. Người phá hoại

Đây là người có thể làm mọi thứ miễn là họ được dẫn đầu. Dù họ là người có tài hay không thì họ luôn muốn trở thành số 1 và ghi điểm với sếp. Vì thế hãy luôn giữ khoảng cách và đề phòng với kiểu đồng nghiệp này khi bạn cùng làm việc chung.

Nếu bạn bị đồng nghiệp này phá hoại cho dù bạn không làm gì sai, hãy thu thập bằng chứng và báo với người quản lý của bạn.

Vấp phải sếp chuyên sai vặt
Sai vặt là chuyện thường xảy ra đối với những nhân viên mới "chân ướt chân ráo" bước vào công ty.

Với những người chưa có kinh nghiệm và "máu mặt" trong môi trường công sở mới thì họ thường bị "ma cũ" bắt nạt, còn sếp thì tận dụng tối đa sức lực và sự nhiệt huyết của họ.

Nếu rơi vào trường hợp trên, bạn cần phải học các để hài hòa các mối quan hệ và "khôn" hơn trong các tình huống.

Thứ nhất, bạn có thể đến thẳng phòng sếp và trình bày rằng những việc làm vặt như vậy không được ghi trong bản hợp đồng và do đó chúng không phải là trách nhiệm bạn phải làm. Dĩ nhiên, cứ áp dụng theo quy tắc thì sếp sẽ phải chấm dứt ngay tình trạng "bắt nạt" bạn nhưng hãy cẩn thận, bạn sẽ là tâm điểm chú ý và xoi mói của sếp.

Cách tốt nhất là bạn nói với sếp rằng bạn sẵn lòng làm những công việc đó nhưng phải làm công việc thuộc phạm vi trách nhiệm trước đã. Bằng cách này bạn vừa thể hiện sự nhiệt tình với sếp mà lại không bị ảnh hưởng đến công việc chính của bạn.

Điều cuối cùng bạn cần nhớ là được lòng sếp vẫn tốt hơn. Cho nên, hãy cứ giúp sếp nếu có thể, song đừng để biến điều đó thành sự lạm dụng. Học hỏi kinh nghiệm của những nhân viên đi trước là cách để bạn thoát khỏi những việc mà mình không hề muốn.