Hãy giơ tay bạn lên nếu bạn chưa từng nghe/đọc thấy những dòng sau theo cách này hay cách khác:

Chúng ta hãy làm bạn thôi!

Thật không may, chúng tôi không có vị trí nào phù hợp với bằng cấp của bạn vào lúc này.

Chúng tôi rất tiếc thông báo với bạn rằng chúng tôi không thể nhận bạn vào trường đại học X.

Bạn rất tài giỏi, và tôi nghĩ rằng bạn sẽ làm nên những điều vĩ đại … ở nơi khác.

Nếu bạn đã đọc xong danh sách trên và giơ tay của bạn, xin hãy giữ nó ở mức ngang mặt, đừng giơ quá cao, và hơi úp tay vào má. Đưa tay ra xa khoảng 3-5 inch rồi di chuyển nó với vận tốc tăng dần, tát vào mặt mình thật mạnh. Tại sao? Vì nếu bạn chưa bao giờ trải nghiệm bị từ chối, bài tập nhỏ này sẽ là một sự mô phỏng cảm giác bạn cảm thấy khi bị từ chối. Thật ra, bị tát vào mặt còn dễ chịu gấp mấy lần so với bị từ chối. Sự từ chối giống như một cú đấm cực nhanh và mạnh vào ngay vùng đám rối mặt trời (vùng ngay giữa bụng gần cuối khung xương sườn). Nhưng vì tự đấm vào vùng đám rối mặt trời đòi hỏi sự linh hoạt của cơ tay và kiến thức để xác định đúng vị trí của nó, nên vì mục đích diễn tả, hãy bỏ qua cho việc tôi chọn hình thức đầu – tát vào má.

Tuy nhiên, khả năng là bạn đã không giơ tay. Tôi sẵn lòng cá rằng nếu bạn đang đọc bài này, bạn quá quen thuộc với vị khách không mời đó. Hãy nói “hello” với người bạn tốt của bạn, Sự từ chối.

Xem nào, những gì bạn có lẽ biết về sự từ chối đó là “hắn” không hề mắc cỡ về việc xuất hiện vào thời điểm và địa điểm không thích hợp nhất.

Trên thực tế, nhiều tình huống thông thường khi “hắn” muốn ghé thăm bao gồm lúc bạn:

Yêu sâu đậm
Theo đuổi giấc mơ
Tìm việc làm
Bắt đầu một hướng đầu tư mới
Xin quĩ dự án
Nộp đơn và thi tuyển
Và, Chúa biết rằng danh sách này còn lâu mới đầy đủ. Ngay khi bạn vừa cảm thấy mọi thứ có vẻ “đâu vào đấy” và quên đi những chuyện đã qua, đoán xem ai tìm thấy bạn? Sự từ chối chứ còn ai.

Kẻ thù cũ của bạn: Sự từ chối

Bạn có nhớ lần đầu tiên bạn gặp kẻ lạ mặt thích gây rối đó? Tôi nhớ lần đầu tiên tôi bắt tay hắn, bàn tay lạnh buốt. Tôi vẫn còn cảm thấy mồ hôi toát ra từ tay mình. Đó là một trại hè, khi tôi 7 tuổi. Chúng tôi phải bơi “tự do” băng qua hồ để nhận được một vòng đeo cổ bằng nhựa màu xanh lá, tấm vé vào vòng trong. Tôi đã nghĩ “tự do” có nghĩa là chúng tôi muốn bơi kiểu nào cũng được. Đây là nước Mỹ – xứ sở tự do mà! Thể loại tôi chọn là bơi gần sát đáy hồ mà không cần trồi lên lấy hơi. Tôi đã không có được chiếc vòng cổ màu xanh đầy hấp dẫn. Thay vào đó tôi được trao cho một chiếc vòng đỏ trong suốt trại hè. Tôi đã được vào nhóm “dộc quyền” của những đứa không vào vòng trong chỉ gồm 2 đứa con gái, một bạn từ Honduras và tôi. Bởi vì bạn đó không nói được tiếng Anh, chúng tôi cũng không thể an ủi nhau về việc bị loại rất sớm của chúng tôi.

Có lẽ bạn còn nhớ lần đầu tiên bạn bị từ chối: được chọn cuối cùng trong lớp thể dục hay không vào được lớp nâng cao môn toán thời tiểu học. Có thẻ bạn đã đụng độ “hắn” ở nhà hay ở sân chơi.

Từ khi còn rất bé, chúng ta đã bị hành hạ bởi sự từ chối. Chúng ta bị từ chối ở trường, trong công việc, trong các mối quan hện và trong hành trình theo đuổi giấc mơ. Qua nhiều năm, chúng ta đã bị từ chối bởi người ta yêu, bởi đồng đội, từ các chương trình, dự án, công ty, vị trí công việc, tổ chức, và các viện/cơ quan.

Theo logic, nếu chúng ta đã không ngừng đối đầu với sự từ chối từ khi còn nhỏ trong nhiều tình huống khác nhau, sau nhiều năm chúng ta có lẽ đã trở thành những chuyên gia trong việc vượt qua cảm giác bị từ chối. Nhưng đó không phải là câu chuyện, tất cả chúng ta đều biết điều đó.

Tại sao bị từ chối lại khiến chúng ta đâu đớn đến như vậy?

Sự thật cai đắng là bị từ chối là một việc hết sức tồi tệ. Việc bị từ chối đã, đang và sẽ làm bạn tổn thương.

Mục đích của bài viết này là xây dựng hiểu biết của chúng ta về việc tại sao bị từ chối lại đau đến như thế và tại sao sau nhiều năm chúng ta vẫn không thể miễn nhiễm với những hiệu ứng tệ hại của nó. Trong bài này, chúng ta sẽ xem xét sự từ chối ở phương diện tâm lý và tiến hoá, để xem điều gì xảy ra với chúng ta trên cơ sở thần kinh học khi chúng ta cảm thấy bị khước từ; và tại sao nói theo nhân chủng học, chúng ta được lên dây cót để sợ sự từ chối.

“Sự từ chối” (rejection) xuất phát từ tiếng Latin, có nghĩa là bị ném trả lại. Khi chúng ta bị từ chối, chúng ta không những cảm thấy bị khựng lại mà còn bị đẩy ra xa theo hướng ngược với hướng ta muốn tới. Bây giờ hãy xem xét điều này, khi bị từ chối, bạn sẽ mô tả sự việc như thế nào? Chúng ta sẽ có xu hướng nói “Tôi bị từ chối”. Bạn để ý thấy không? Chúng ta dùng từ ở trạng thái bị động. Điều này cho thấy ta cảm thấy như thế nào về vị trí của chúng ta trong sự từ chối. Chúng ta xem mình ở trạng thái bị động, là nạn nhân của một hành động, không hề có tính chủ động hay có tính tham gia.

Bị từ chối cũng giống như tan nát trái tim

Bạn có nhớ khi tôi bảo bạn tát vào mặt? Hãy trở lại giây phút đó để tiếp tục cuộc thảo luận về cảm giác khi bị từ chối. Vậy, bạn vừa mới nhận được một “cú” từ chối ập vào mặt bạn khi bạn sơ suất phòng thủ, và điều gì xảy ra? Trước tiên, bạn bị sốc, mất phương hướng vì cú đánh úp. Bạn cảm thấy yếu ớt và bất lực. Cơ thể bạn bắt đầu ngừng hoạt động và ban nằm tê liệt vì tổn thương tinh thần. Bạn có thể nghĩ là có lẽ tôi đã nói quá, nhưng thực sự đó là những gì diễn ra về mặt sinh học khi cơ thể bạn phản ứng trước sự từ chối.

Các nhà khoa học của Đại học Amsterdam phát hiện ra rằng sự từ chối vè mặt xã hội không nằm trong mong đợi có mối liên hệ với phản ứng mãnh liệt của hệ thống neuron đối giao cảm (parasympathetic neuron system). Khi cơ thể ở trạng thái hoạt động, nói chung là như trong một trận đấu hay chế độ bay, hệ thống đối giao cảm hoạt động, nhịp tim tăng nhanh, đồng tử giãn rộng, năng lượng được điều chỉnh cho việc cơ thể có những phản ứng đáp trả nhanh chóng. Tuy nhiên, hệ thống đối giao cảm cũng chịu trách nhiệm cho việc nghỉ ngơi của cơ thể.

Còn nhớ chúng ta đã thảo luận như thế nào về việc chúng ta nói về sự từ chối ở thế bị động: “Tôi bị từ chối”? Các nghiên cứu đã cho thấy sau khi bị từ chối, không những chúng ta suy nghĩ một cách bị động, chúng ta còn hành động một cách bị động. Khi đối mặt với sự từ chối bất ngờ, nghiên cứu cho thấy rằng “cảm giác bạn không được yêu thích” dẫn đến việc tim ta thật ra là đập chậm lại, một chức năng của hệ thống đối giao cảm. Vì vậy, cảm thấy bị khước từ dẫn đến kết quả bạn phản ứng cả về mặt thể chất lẫn tâm lý. Một điều thú vị trong nghiên cứu này là nhịp tim của những người tham gia thực nghiệm tụt xuống không những khi họ nghe thấy ý kiến mang tính từ chối của người khác mà còn ngay cả khi họ nghĩ là họ sẽ nghe thấy như vậy. Nếu được bảo là ý kiến của một người về họ thật sự có nghĩa từ chối, nhịp tim còn giảm xuống nhanh hơn nữa và mất nhiều thời gian để trở lại mức cơ bản. Thêm vào đó, nhịp tim giảm nhanh hơn tất cả những trường hợp kể trên khi những cá nhân này kỳ vọng một ý kiến tích cực nhưng lại nhận được một ý kiến tiêu cực. Điều này giải thích tại sao sự từ chối, đặc biệt là dạng từ chối làm bạn bất ngờ, thực sự cảm thấy như tim tan vỡ.

Chúng ta được “lập trình” để thấy sợ sự khước từ

Là con người, chúng ta cực kỳ nhạy cảm với sự khước từ, đặc biệt là những dạng bị chối bỏ về mặt xã hội. Chúng ta có động lực to lớn để tìm kiếm sự đòng thuận và chấp nhận. Nếu chúng ta nhìn ở khía cạnh nhân chủng học, chúng ta có thể thấy rằng trước đây – khoảng 10000 năm trước Công Nguyên – việc chỉ tồn tại một mình sẽ làm giảm khả năng sinh tồn xuống mức 0. Chúng ta cần có bộ lạc để tìm kiếm thức ăn, chỗ ở và sự bảo vệ che chở. Bị từ chối, hay vào thời điểm đó, bị loại ra khỏi bầy đàn đồng nghĩa với cái chết trước mắt. Nhìn ở khía cạnh tiến hoá, chúng ta được lập trình để hình thành các mối quan hệ xã hội và được thôi thúc để cảm thấy được người khác yêu thích thừa nhận và chúng ta thuộc về một cái gì đó.

Vượt qua sự đau buồn của cuộc chia tay giống như vượt qua cơn nghiện cocaine

Trên cái nhìn khoa học thần kinh, bị khước từ vô cùng tệ hại! Và, có thể nói rằng dạng tồi tệ nhất trong các dạng từ chối chính là sự từ chối tình cảm. Vượt qua cuộc chia tay cũng giống như vượt qua cơn nghiện cocaine. Và đó không phải chỉ là ý kiến cá nhân tôi; đó còn là ý kiến và những phát hiện khoa học của các nhà nghiên cứu ở Đại học Stony Brook. Các nhà nghiên cứu thấy rằng vùng não hoạt động mạnh khi ta trải nghiệm đau đớn và dằn vặt khổ sở trong quá trình chia tay cũng chính là vùng có liên hệ với động lực, sự tưởng thưởng, và sự thèm thuồng do nghiện. Ảnh chụp não bộ cho thấy sự tương đồng giữa sự bị từ chối tình cảm và nghiện cocaine.

Bị từ chối làm chúng ta rất đau vì chúng ta đã “bị nghiện” mối quan hệ, và mối quan hệ đó bị lấy đi khỏi chúng ta. Và sau đó, cũng giống như đối với nghiện thuốc, chúng ta sẽ trải qua thời gian cai nghiện đầy đau đớn.